Khi ch.ết không phải là hết, và viết xong không phải là chấm hết.
Chấp nhận sự trở thành một cách tự nhiên, và tiếp tục để phát triển từ những cái tồn tại.
“Ch.ết không phải là hết mà bắt đầu một cuộc sống tốt đẹp hơn.” - nhà côn trùng học Jean-Henri Fabre
Đây là câu mà mình nhớ nhất đến tận bây giờ, sau khi đọc sê-ri truyện tranh danh nhân thế giới được tặng hồi lúc mình 12 tuổi.
—
Cái ch.ết là thứ mình từng nghĩ nhiều vào 3 năm trước…
Khi mà mình vứt bỏ tất cả để một mình lái xe phượt Đà Lạt một cách liều lĩnh với một cô gái chỉ vừa tròn 22 theo lời kể của ba mẹ mình.
Khi mà mình đi đăng ký hiến tạng ở bệnh viện Chợ Rẫy với mong muốn để lại gì đó sau khi ch.ết sau khi hoàn thành 2 phần bộ phim đầy năng lượng chữa lành Hospital Playlist.
—
Bây giờ mình không còn nghĩ nhiều về nó nữa, chắc có lẽ cuộc sống đang vui hơn?
Nhưng khi vào hành trình viết Đều và Hay, mình chợt nhân ra mình đang chạm đến “cái ch.ết” của tinh thần trong bài viết của mình, khi mình cảm thấy cái bản sắc của mình trong bài viết đã biến mất.
Khi tìm hiểu về cái ch.ết ở trên Wiki mình đọc được một định nghĩa đó là:
Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể.
Leonid Pasternak (1862–1945)
Mình bắt đầu sợ điều đó, khi mà mình không biết làm tiếp theo cả? Lo sợ cái writer’s block này sẽ mãi tồn tại, và mình phải ngừng mãi mãi việc viết.
Writer's block là một khái niệm mô tả về việc bị tạm ngưng hoặc mất ý tưởng sáng tác trong việc viết lách, nó khiến người viết không thể viết ra bất cứ thứ gì cho ra hồn và làm họ rơi vào tình trạng "táo bón" với con chữ.
—
Và mình đẩy bản thân đi tương tác nhiều người nhất có thể trong một trạng thái mông lung mơ hồ về việc tiếp tục. Đọc những bài của các bạn đồng write khác cũng viết như mình với ý nghĩ đi tìm sự sống cho động lực viết bài của bản thân.
Mình va vào một đoạn chia sẻ:
“Mình luôn có cơ hội để chỉnh sửa, update, hoặc thậm chí xóa luôn các bài viết của mình, là người mà lâu lâu sẽ vào đọc lại bài viết của mình để xem thử có chỗ nào cần sửa lại thì sẽ sửa luôn, hoặc là biết cái gì mới thì sẽ update vào, và làm vậy không chết ai đâu. Cứ xem các bài viết như một thực thể sống như mình và nó có quyền được thay đổi nhé!.”
À thì ra, mình đang nhìn mỗi bài viết hoàn thành của mình là một cái ch.ết.
Thoát khỏi cái lưới kỳ vọng "độc giả sẽ cảm nhận như mình, thích bài viết của mình”, mình sa chân vào cái bẫy “tự chấm dứt sự phát triển của bài viết” cũng như động lực để viết tiếp.
Qua bài viết của buddy đồng hành cùng mình là Quỳnh, mình học được bài học để tránh cái lưới kỳ vọng.
Không ép nó thành cái gì, hóa ra lại cho nó quyền nó trở thành cái nó tự nhiên cần trở thành. (quin, aesthetic's newsletter)
Viết được nửa chặng đường 5/9 bài viết, cái cảm giác mất động lực, và bí tắc không muốn làm gì tiếp theo, nó cứ quanh quẩn như trạng thái ch.ết trong linh hồn đang gào thét bất lực “hãy viết đi” của mình.
Ở đây, việc chính mình nghĩ thế nào về con chữ của bản thân, chính là một chìa khóa để mình có thể có thể hồi sinh.
—
Mình nhận ra mình sẽ thực sự ch.ết nếu ngừng hy vọng, ngừng tiếp tục viết, và phát triển những cái mình đang có.
Đều và Hay, trong hoàn cảnh này là sự Sống và sự Phát triển.
Vì có lẽ, chỉ có sự Sống mới ngày qua ngày, luôn lặp lại, đều đặn. Và sự Phát triển chính là sự tiếp nối và truyền thừa của giá trị, được coi là hay ho.
Nếu bài viết mình chưa Hay với bản thân ở hiện tại, thì hãy tiếp tục phát triển nó với hy vọng tương lai nó sẽ Hay hơn.
Bởi viết giống như việc mình trồng một cái cây, nhào nặn ý tưởng rồi viết ra chỉ đang là một quá trình chuẩn bị, việc nhấn nút đăng bài là hoàn tất việc lấp đất và tưới nước lần đầu tiên. Nhưng những việc sau đó như chỉnh sửa, thêm thắt, mở rộng chính là cách mà mình chăm bẵm cho cái cây đó lớn lên một cách khỏe mạnh, để ra hoa và kết trái ở một thời điểm nào đó sau này.
Khi viết ở trên mạng, có một cái thú vị đó là người đọc có thể đọc lại hoặc bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận bài viết của mình bất cứ lúc nào. Việc luôn cập nhật, hoàn thiện, tiếp thêm sự sống cho bài viết, chính là cách mà một người viết có thể giúp độc giả một cách tốt nhất khi họ xem bài của bạn tại một thời điểm nào đó mà bản thân người viết không biết trước.
Cho bài viết được sống chính là cho bạn có thêm lý do để tiếp tục viết. Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất về “Giá trị”.
—
Nhưng có một thứ đó là thời gian cũng bị giới hạn, bởi một đời người không thể kéo dài mãi mãi.
Alexander Halminton một người có ngòi bút sắc bén và có tầm ảnh hưởng trong giới chính trị Mỹ, và ông đã chăm chỉ viết như thể mỗi ngày là ngày cuối của cuộc đời mình qua lời kể của vợ ông trong vở nhạc kịch Broadway.
“You really do write like you’re running out of time.”
Deadline hay cái ch.ết, không phải lý do để ngừng lại, mà để mình trân trọng những giây phút hiện tại, là để có thể tạo ra một ảnh hưởng nào đó cho tương lai, cho người ở lại cảm nhận một hy vọng tươi sáng, như cái cách mà vợ của Halminton sống trong 50 kế tiếp sau cái ch.ết của chồng mình.
Giá trị của ông để lại không chỉ là những bài viết, mà cả một niềm tin tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn, và vợ ông đã giúp Halminton lan tỏa điều ấy bằng cách xây dựng một quỹ hỗ trợ, đấu tranh cho nô lệ, mở một trại trẻ mồ côi (Halminton xuất thân là trẻ mồ côi)…
Who lives, who dies, who tells your story? (Time)
Xem thời gian là đồng minh, chứ không phải một đích đến, chắc hẳn sẽ là một cách giảm áp lực cho một cây viết còn non trẻ như mình.
Sự kỳ diệu của thời gian, hay điều gì sẽ xảy ra sau khi ch.ết, mình chưa thể khám phá hết, nhưng ít nhất mình có quyền làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng của mình ở hiện tại. Như cái cách mà Emily Dickinson, F. Scott Fitzgerald, Kate Chopin, John Keats hay Jane Austen là những tác giả sau khi ch.ết mới trở nên nổi tiếng với cộng đồng, cả đời họ đã cống hiến cho viết một cách say mê, kiên trì và hết lòng, những tác phẩm của họ vẫn tiếp tục sống dù họ có rời đi nhân thế.
Cuối cùng, bao gồm trong đó là việc chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân, như Joy trong Inside Out 2 đã nhận ra:
Maybe this is what happened when we grow up, you feel less joy.
(Pixar - Inside Out 2 - 6/2024)
Khi hiểu cuộc sống sẽ không bao giờ mãi luôn thuận lợi, để có thể liên tục cảm thấy vui vẻ với những viễn cảnh tốt đẹp. Mình biết bản thân cần trân trọng mỗi khoảng khắc được sống, tạo ra bài viết và cùng phát triển với nó, chính là cách mình tự tạo niềm vui và tận hưởng mọi trải nghiệm phía trước.
Nên là cứ viết thôi, cứ đi rồi sẽ đến, cứ viết rồi sẽ biết điều mình mong muốn.
Vi Vu Là Vì Đủ.
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Bài viết rất hay và nhiều tầng ý nghĩa!
Cảm ơn bạn và cảm ơn chính mình vì đã dám viết và vẫn tiếp tục viết..