Xin chào mọi người, tuần vừa rồi Sài Gòn có những trận mưa rất lớn, khiến đường xá ngập ngụa trong nước gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Thảo Điền nơi mình đi làm vừa bị nước sông Sài Gòn tràn vào, vừa bị nước cống trồi lên, làm giao thông ở đây trở thành một trận chiến hỗn loạn không hồi kết. Mình mong mọi người vẫn an toàn và mạnh khỏe cũng như cẩn trọng khi đi đường trong thời gian này nhé.
Bài viết blog tuần này là do suy nghĩ phản tư của mình. Với bối cảnh là mấy nay mình đang tăng ca làm bánh mới nhiều (~12 tiếng ngày) cho ngày lễ 20/10 sắp tới. Nên là nhiều lúc tranh thủ những giờ giấc nghỉ ngơi hiếm hoi thì trong đầu mình lại bật lên câu hỏi: “Ủa rồi sao hiện tại mình mệt mỏi vậy, tại sao mình lại chọn con đường này và kiên trì, cố gắng nhiều thế vì điều gì nhỉ?”
Và mình đã tìm được giải đáp qua một bộ phim anime ra rạp có thời lượng ngắn nhất mình từng xem (58 phút) là Look Back: Liệu chúng ta có dám nhìn lại? của đạo diễn Kiyotaka Oshiyama, được chuyển thể từ One Shot của Fujimoto Tatsuki - tác giả bộ truyện tranh - Chainsaw Man rất nổi tiếng tại Nhật và toàn cầu.
Bộ phim cũng tạo ra tiếng vang lớn khi trở thành siêu phẩm anime đứng đầu phòng vé Nhật Bản thời gian gần đây. Không chỉ là bộ phim kể về tuổi trẻ đầy trăn trở và chiêm nghiệm. Mình cũng nhận ra nhiều góc nhìn về động lực trong khoảng một tiếng tận hưởng từng khung thoại, diễn biến tâm lý nhân vật cũng như thông điệp chính của bộ phim. Cùng tìm hiểu với mình ở dưới nhé!
Warning: Ở dưới sẽ tiết lộ nội dung phim, bạn nào muốn xem phim thì không nên đọc nhé!
Looking back at Look Back
Tóm tắt nội dung phim
Dù với thời lượng siêu ngắn, nhưng Look Back là một tác phẩm anime có ý nghĩa sâu sắc, khai thác những khía cạnh tâm lý phức tạp của tình bạn, sự mất mát và sự hối tiếc. Với lối kể chuyện độc đáo, với chi tiết dòng thời gian song song qua cánh cửa (thực chất là viễn cảnh tưởng tượng trong trạng thái đau khổ của nhân vật chính khi không thể chấp nhận sự thật đau lòng).
Phim xoay quanh hai cô gái, Fujino và Kyomoto, cùng nhau theo đuổi đam mê vẽ truyện tranh từ những năm đầu tiểu học với việc sáng tác manga 4 khung trong báo tường hàng tháng của trường. Hai nhân vật được xây dựng với những nét không hoàn hảo với:
Fujino:
Tính cách: hướng ngoại, tươi sáng, sáng tạo, vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Cô bé có một tài năng đặc biệt trong việc tạo ra những câu chuyện hài hước và dí dỏm. Fujino đại diện cho sự tự do và niềm vui trong sáng của nghệ thuật.
Phong cách vẽ: mang tính chất ngẫu hứng, phóng khoáng và tràn đầy năng lượng. Các nhân vật của cô bé tạo ra thường có nét mặt biểu cảm và hình dáng đáng yêu.
Vai trò: Fujino là nguồn cảm hứng và động lực cho Kyomoto. Cô ấy luôn khuyến khích bạn mình theo đuổi đam mê và không ngừng sáng tạo.
Kyomoto:
Tính cách: hướng nội, u buồn, rụt rè nhưng nghiêm túc, tỉ mỉ và luôn hướng tới sự hoàn hảo. Cô bé có một niềm đam mê mãnh liệt với việc vẽ tranh và luôn cố gắng thể hiện thế giới xung quanh một cách chân thực và đẹp đẽ. Kyomoto đại diện cho sự kiên trì và khát khao hoàn thiện bản thân.
Phong cách vẽ: rất chi tiết, tỉ mỉ và mang tính chất hiện thực. Cô ấy rất chú trọng đến ánh sáng, bóng tối và các chi tiết nhỏ nhặt trong tranh.
Vai trò: Kyomoto là người bạn đồng hành và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Fujino. Cô ấy luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ bạn mình trong mọi hoàn cảnh.
Và với sự đối lập như thế, gần như 2 bạn là hai mảnh ghép bổ sung hoàn hảo, khi Fujino nắm vai trò sáng tạo cốt truyện, nhân vật chính, còn Kyomoto tô điểm cho truyện bằng những bức nền nổi bật điểm chính của nhân vật mà Fujino vẽ ra.
Bằng chứng là, 2 cô bé đã kiếm được số tiền lớn đầu tiên trong đời mình bằng chiến thắng trong cuộc thi truyện tranh. Và sau đó nhiều năm sau, hợp tác cùng vẽ nhiều bộ truyện tranh ngắn hạn trên tạp chí, chỉ với độ tuổi thiếu niên, họ đã cho ra đời hàng chục tác phẩm được đăng hàng tháng, quý trên tạp chí, tạo ra thu nhập ổn định khi còn rất trẻ từ tiền nhuận bút.
Nhưng rồi, động lực là thứ khiến hai bạn xa nhau. Fujino tiếp tục miệt mài sáng tạo, theo đuổi con đường truyện tranh dài kỳ. Còn Kyomoto nhận ra mình muốn theo đuổi nghệ thuật vẽ chuyên nghiệp, nhận ra truyện tranh chỉ là một phần trong động lực đó của mình. Hai cô bé chia tay nhau, tuy đau lòng, nhưng ai cũng chăm chỉ với động lực của mình. Fujino tạo ra một series truyện tranh thành công, còn Kyomoto vào trường đại học mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, một biến cố bất ngờ xảy ra, đó là một tên say rượu cầm rìu điên loạn sát hại sinh viên trường của Kyomoto vì nghi ngờ họ đã ăn cắp ý tưởng của anh ta, đã vô tình cướp đi sinh mạng của Kyomoto. Và để lại trong lòng Fujino những nỗi đau và hối tiếc sâu sắc, khiến Fujino phải nhìn lại cả chặng đường cố gắng, kiên trì theo nghiệp vẽ của mình.
—
Những thông điệp chính
Để truyền tải đầy đủ thông điệp từ bộ truyện, đạo diễn đạo diễn Oshiyama trong việc thể hiện cảnh chạy trong 3.14 giây vì tức tối của Fujino, đã vẽ tới 70 bức tranh để ghi lại cường độ cảm xúc cho nhân vật
Trong khi trung bình các hoạ sĩ trong ngành anime sẽ vẽ 200 - 300 tấm hình chuyển động trong một tháng, thì ở tuần cuối cùng trước khi kết thúc sản xuất Look Back, đạo diễn đã vẽ liên tục 1000 bức chuyển động - điều khiến Fujimoto-sensei rất nể phục, muốn để lại toàn bộ tiền tiết kiệm cho đạo diễn. Và để hoàn thành cho kịp tiến độ, đạo diễn Oshiyama đã ăn ngủ ở studio, và chỉ về nhà trước ngày công chiếu Look Back.
Và tất cả những gì tinh túy của Oneshot đã được thực hiện một cách gần như hoàn hảo từ ánh sáng, hình ảnh, âm nhạc của Haruka Nakamura (vì tác giả Fujimoto Tatsuki rất thích nghe nhạc của vị nhạc sĩ này). Các bạn có thể nghe playlist OST ở đây, âm nhạc của Haruka thực sự đẩy bộ phim lên cao trào bằng những giai điệu chữa lành tâm hồn:
Quay trở lại thì bộ phim đã xuất sắc thể hiện 4 nội dung bao gồm:
Tình bạn sâu đậm: Tình cảm giữa Fujino và Kyomoto được khắc họa một cách chân thật và cảm động. Họ là những người bạn tâm giao, cùng nhau chia sẻ ước mơ và động viên nhau vượt qua khó khăn. Với những khung cảnh cùng ăn, cùng ngủ, cùng vẽ trong một chiếc phòng nhỏ, chỉ rộng chục mét vuông thường phổ biến ở Nhật. Fujino vẽ trên bàn, Kyomoto cặm cụi vẽ ở dưới đất.
Sự mất mát và nỗi đau: Cái chết của Kyomoto đã để lại một vết thương lòng sâu sắc trong lòng Fujino. Cô phải đối mặt với nỗi đau mất mát, sự hối tiếc về những điều chưa kịp làm và những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống rằng mình theo đuổi đam mê vẽ manga này là vì gì?
Sự sáng tạo và nghệ thuật: Truyện tranh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Fujino và Kyomoto. Và nó là nơi họ thể hiện bản thân, chia sẻ cảm xúc và tìm kiếm ý nghĩa. Với Fujino, đó là khẳng định tài năng sáng tạo của mình với những lời khen công nhận của người xung quanh, còn Kyomoto là chứng minh sự tồn tại, điều gắn kết duy nhất của cô với cuộc sống bên ngoài trong chiếc phòng riêng khi không dám ra ngoài.
Thời gian và sự thay đổi: Thời gian trôi qua, mọi thứ đều thay đổi. Fujino cố gắng chấp nhận sự thật rằng cô không thể quay ngược thời gian để thay đổi quá khứ. Cũng như không biết tự khi nào động lực vẽ của cô cũng đã thay đổi, cô bé tiếp tục vẽ bởi vì muốn tiếp nối tinh thần của Kyomoto, giữ lại những cảm xúc trong trẻo nhất, vui vẻ nhất khi sáng tạo nghệ thuật cùng cô bạn thân.
Động lực nào cũng đáng quý
Bạn biết không, thật ra lúc trước mình đã từ bỏ rất nhiều thứ vì không thể chịu được áp lực từ động lực bắt đầu làm một việc nào đó của mình. Và sau này khi làm bếp được hai năm, mình nhận ra rằng, động lực nào cũng đáng quý, bất kể xuất phát từ điều gì, lớn hay nhỏ, ý nghĩa cá nhân hay giá trị cộng đồng. Và điều này thể hiện rất rõ trong sự trưởng thành của đam mê truyện tranh của cô bé Fujino và Kyomoto.
Với Fujino, động lực vẽ đầu tiên của cô bé chính là nhận sự tán dương, khen ngợi, chú ý của người khác. Dù trong lòng không hứng thú với vẽ vời lắm, nhưng cô vẫn không ngừng vẽ vì ánh hào quang này. Sau đó, xem được tranh của Kyomoto, cô nhận ra tài năng của mình có hạn, thua xa người bạn này, động lực của cô bé lúc đó lại thay đổi, cô vẽ vì không chấp nhận sự thua cuộc, vẽ để chứng minh tài năng, vượt qua sự xấu hổ.
Cho đến khi nhận được sự công nhận của fan cứng Kyomoto cho những mẩu truyện đã vẽ, cô lại quay lại với việc vẽ với trạng thái vui vẻ và tận hưởng hơn (dù đã bỏ vẽ đã lâu vì nhận ra mình không thể đuổi kịp tài năng của Kyomoto), động lực của cô tiếp tục thay đổi đó là kiếm tiền, danh tiếng, được vẽ cùng cô bạn thân Kyomoto.
Và sau cái chết của người bạn yêu quý, động lực vẽ của cô là để tri ân tưởng nhớ người bạn quá cố của mình, và khao khát tìm lại một Fujino luôn tự tin kiên cường cắm cúi với bóng lưng miệt mài sáng tối trên chiếc bàn vẻ tràn đầy cảm hứng thoải mái sáng tạo. Việc vẽ trở thành một thứ tự nhiên trong cuộc sống và là động lực tiến về tương lai dù quá khứ đầy hối tiếc, hiện tại rất tàn nhẫn.
Với Kyomoto, động lực vẽ từ nhỏ đến lớn chỉ có một, rất đơn thuần, trong trẻo của tình yêu nghệ thuật, cô bé thích vẽ, đam mê hội họa. Và manga là nơi giúp cô bé cảm thấy thoải mái, ý nghĩa trong cuộc sống đầy cô độc, buồn tẻ của mình.
Chỉ cần theo sau tớ, cậu sẽ giỏi hơn thôi. - Fujino nói với Kyomoto
Đã từng có một Fujino tự phụ như vậy, cô bé luôn vẽ vì chính bản thân mình (sau khi chia tay Kyomoto, lý do vẽ của cô là trả thù, cho dù không có bạn thân kề bên, bản thân cô cũng sẽ thành công). Và cho đến khi Kyomoto mất đi, cô mới nhận ra ý nghĩa của việc vẽ của mình đã thay đổi tự khi nào theo sự trưởng thành trong nhận thức của cô.
Có lẽ, ai đọc truyện, ấn tượng đầu sẽ thích động lực từ đam mê vẽ của Kyomoto hơn là động lực của Fujino. Nhưng với mình, việc so sánh động lực này với động lực khác đã giết chết niềm vui để bắt đầu một việc gì đó. Cũng như không cho mình cơ hội trưởng thành và lớn lên cùng động lực.
Việc kiên trì theo đuổi hằng ngày với những động lực nhỏ bé như niềm vui khi hoàn thành một mục tiêu nhỏ, hay từ cá nhân, chính là tiền đề tích lũy để xây dựng một động lực lớn lao như ước mơ thay đổi thế giới, truyền cảm hứng cho một ai đó!
Động lực vĩ đại không làm cho chúng ta trở nên vĩ đại ngay từ đầu. Bởi vì động lực chỉ là điểm khởi đầu, là ngọn lửa ban đầu thắp sáng con đường phía trước. Điều quan trọng hơn cả là những hành động cụ thể mà chúng ta thực hiện dựa trên động lực đó. Chính những hành động nhỏ bé, kiên trì mỗi ngày mới tạo nên những thành quả lớn lao.
Ở hoàn cảnh ở nhân vật trên, chính vì động lực từ sự chú ý của người khác, mới tạo nên nhân duyên giữa Fujino và Kyomoto (thần tượng - fan cứng). Và bánh xe vận mệnh cũng chuyển động, ở bên Kyomoto, Fujino đạt trạng thái thăng hoa của sáng tạo nghệ thuật. Còn với Kyomoto, thì cô bé có thêm động lực để theo đuổi thứ mình muốn là mĩ thuật. Fujino giúp Kyomoto trở nên tự tin hơn và không quá khắt khe với bản thân. Còn Kyomoto giúp Fujino có cái nhìn sâu sắc hơn về nghệ thuật và hoàn thiện tác phẩm của mình.
Mình thực sự ngưỡng mộ một Fujino thẳng thắn với động lực của mình, cô bé sống chân thực với cảm xúc và dành sự say mê cho nó. Dù động lực có đổi thay, nhưng cô bé vẫn kiên trì, chăm chỉ làm hết sức khi quyết định làm một việc gì đó.
Thành thật về động lực, mục tiêu của mình, cũng như dành trọn cảm xúc cho nó, chính là bước đầu mà mình nghĩ bản thân tôn trọng ngọn lửa đam mê này, để tiếp tục tiến về phía trước, hoặc khi có dứt khoát từ bỏ trên hành trình thì mình cũng không hối tiếc. Như cái cách mà Fujino sau 2 năm chăm chú tập vẽ nhận ra mình không giỏi như mình nghĩ, và đủ năng lực theo manga khi sắp chuyển cấp.
Nhận biết “lạm dụng động lực”
Tuổi trẻ sống hết mình với đam mê. Câu nói nay chắc hẳn ít nhiều gieo rắc nhiều động lực cho giới trẻ như mình tiếp tục cố gắng, chăm chỉ làm việc. Nhưng khi xem bối cảnh bộ phim Look Back, sự bóc lột sức lao động của của ngành công nghiệp Manga 19 tỷ USD tại Nhật Bản được phơi bày một cách trần trụi. Gần như những nghệ sĩ sáng tạo ở đây, bị tê liệt cảm xúc khi làm công việc mang tính đam mê khởi nguồn này.
Mỗi năm Nhật Bản cho ra đời gần 200 bộ hoạt hình và không có nhiều nghệ sĩ đủ kỹ thuật và kinh nghiệm để vẽ với khối lượng lớn như vậy. Và những nghệ sĩ bán thời gian chỉ kiếm được khoảng 200 Yên cho mỗi bức vẽ, tức chưa đến 2 USD. Nếu vẽ được nhiều thì con số trên khá ổn, nhưng vấn đề là mỗi nghệ sĩ chỉ có thể làm việc khoảng hơn 1 tiếng bởi đau tay, mắt và mất khả năng tập trung.
Chưa kể truyện tranh Nhật khác với những truyện của nhiều nước khi chú ý rất nhiều đến những chi tiết nhỏ, từ bức tranh về 1 đĩa đồ ăn cho đến cảnh vật nền núi rừng. Những chi tiết này tốn nhiều hơn khoảng 4-5 lần thời gian bình quân thông thường để vẽ truyện tranh.
Một studio bị buộc tội vi phạm quy định lao động với nhân viên của hãng này phải làm việc gần 400 giờ/tháng, liên tục gần 40 ngày mà không có bất cứ ngày nghỉ nào.
Năm 2014, một họa sĩ Anime tự tử sau khi bị ép làm việc quá sức. Tổng cộng trong 1 tháng, nạn nhân "gắn" với bàn làm việc đến 600 giờ đồng hồ.
“Để sản xuất một bộ phim Anime tốn rất nhiều thời gian. Mọi chi tiết đều cần vẽ tỉ mỉ, đòi hỏi đến 3-4 người cùng làm việc trong một phân cảnh, từ khâu vẽ nháp đến hoàn thiện”, họa sĩ Zakoani cho biết.
Và ở trong phân cảnh, Fujino gần như chết lặng cảm xúc liên tục vẽ bất kể ngày đêm bên chiếc bàn vẽ kỹ thuật số, thực sự ấn tượng với mình. Khối lượng công việc dồn hết cả đôi vai cô bé khi không có Kyomoto, đồng đội hợp ý kề bên. Và dù cô có trợ lý nhưng vẫn không đủ để sản xuất một bộ truyện nhiều tập trong nhiều năm.
Cái chết của Kyomoto giống như một đòn cảnh tỉnh đến Fujino người đang chạy đua với thứ gọi là đam mê trong môi trường đang lạm dụng động lực, và cũng là dụng ý tác giả trong việc tri ân đã mất trong cuộc hỏa hoạn ở studio Kyoto Animation (được biết đến là cái nôi của tác phẩm như Dáng hình thanh âm, Violet Evergarden, Chuunibyou demo Koi ga Shitai!, Kem đá và Clannad), và tiếp sức cho những người còn sống sau thảm họa này.
Cố gắng như thế nào là đủ để theo đuổi đam mê, chính là câu hỏi bật ra trong đầu mình lúc ấy! Nhưng với mình, chúng mình cần hiểu tình trạng của chúng mình ở hiện tại, rằng: “Bản thân có đang lạm dụng động lực?” hay không, cũng như “Động lực có đang quá bị đề cao?” trong môi trường làm việc hiện tại hay chính suy nghĩ của bản thân mình?
Mình nghĩ, một công ty đang lạm dụng động lực của nhân viên sẽ có những đặc điểm sau:
Ép buộc làm việc quá sức: Giao quá nhiều công việc trong thời gian ngắn, không tạo điều kiện nghỉ ngơi hợp lý, dẫn đến tình trạng làm việc quá tải.
Sử dụng những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích: Không ngừng chỉ ra lỗi lầm, so sánh với người khác, tạo áp lực tâm lý lớn.
Tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh: Khích lệ nhân viên cạnh tranh với nhau một cách thái quá, gây ra sự chia rẽ và căng thẳng trong tập thể.
Sử dụng các hình thức khen thưởng, phạt không công bằng: Chỉ tập trung vào kết quả, không quan tâm đến quá trình làm việc, tạo ra một môi trường làm việc chỉ hướng đến thành tích cá nhân.
Lợi dụng lòng tốt, sự nhiệt tình của người khác: Giao cho người khác những công việc không thuộc phạm vi trách nhiệm, hoặc yêu cầu làm thêm giờ mà không có sự đồng ý.
Với mình công ty phải là môi trường phát triển động lực của nhân viên thay vì chỉ đang lạm dụng nó để bào mòn sức khỏe thể chất, tinh thần của nhân viên đến cạn kiệt với nhiều dấu hiệu chả thể kể hết như: cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi thường xuyên, căng thẳng, lo lắng, khó ngủ, mất hứng thú với công việc, và tệ hơn cảm thấy bị cô lập, không được hỗ trợ, thuộc về tập thể…
Hoặc bạn có từng làm việc không theo một thói quen, kỷ luật nào, tất cả đều dựa vào cảm xúc, động lực hoàn thành trước deadline? Thì với mình đó chính là một hành động lạm dụng động lực, quá dựa vào động lực, bất chấp thời gian để thực hiện một điều gì đó ảnh hưởng đến sự cân bằng cuộc sống cá nhân. Chính là thứ mà mình không thể đi đường dài để theo đuổi mục tiêu, đam mê của mình.
Làm sao để “nuôi dưỡng động lực”?
Để trả lời câu hỏi trên, mình nghĩ bản thân cần có suy nghĩ thoáng hơn về động lực. Trong khi học Học Cách Học của Mở - Mơ và Hỏi, mình được tiếp xúc với 2 thông điệp và từ đó rút ra cho mình cách để phát triển động lực:
Đôi khi, bạn không cần động lực để bắt đầu & duy trì hành động: Bởi vì ngoài động lực, mình còn có thói quen kỷ luật, trách nhiệm, sức ép từ hoàn cảnh và sự tò mò với thế giới xung quanh để thực hiện một việc nào đó. Mình nhận ra rằng bản thân bởi vì áp lực xã hội, nên chúng mình dễ bị ảnh hưởng bởi những thông điệp tích cực về việc luôn phải có động lực để thành công. Hay sự sợ hãi thất bại, rằng khi không có động lực, chúng ta dễ cảm thấy lo lắng và sợ hãi khi bắt đầu một việc gì đó. Cũng như quan niệm sai lầm về động lực vì nhiều người cho rằng động lực phải luôn mạnh mẽ và bền bỉ, điều này không phải lúc nào cũng đúng.
Dù có một số khoảnh khắc mình không cần động lực để hành động, nhưng bản thân động lực vẫn chi phối con sóng cảm xúc trong mình, khiến mình buồn, vui, giận, hờn với mọi thứ diễn ra trong cuộc sống. Và nếu xem Động Lực là một người bạn đồng hành, thì thông điệp, mình cần nói sẽ là:
Động lực à, không phải lúc nào mình cũng nhìn thấy cậu, hay cần cậu để làm mọi thứ, nhưng mình vẫn luôn trân trọng cậu.
Hương Trần - Người đồng hành Học Cách Học 5 nơi mình đang học.
Chú ý đến lời thầm thì của sức khỏe trước tiếng la của động lực và cảm xúc: ví dụ trong teamwork thì động lực sẽ đóng vai trò lãnh đạo, hô hào mọi người cùng làm, và cảm xúc là những thành phần hướng ngoại, chi phối tinh thần không khí làm việc của nhóm, và sức khỏe thể chất là những thành phần hướng nội, luôn làm việc chăm chỉ. Và để teamwork diễn ra một cách suôn sẽ thì cần sự kết hợp của cả ba, nếu không có sức khỏe thể chất, mình chả thể làm nổi điều gì, hay cảm xúc không tốt cũng sẽ mất đi động lực,…
Hai điều này khiến mình nhận ra, động lực cần được nuôi dưỡng, và việc này giống như mình xây dựng một mối quan hệ tình yêu bền vững, lành mạnh cùng nhau phát triển trong cuộc sống vậy sẽ bao gồm:
Tôn trọng động lực, động lực nào cũng đáng quý vì thế không nên đánh giá, phán xét, so sánh nó với người khác.
Tìm hiểu, nắm bắt động lực là gì? Thấu hiểu động lực đến từ đâu, để bổ sung những hành vi củng cố động lực như: Chọn mục tiêu phù hợp với từng loại động lực, Điều hướng hành động gần hơn với nhu cầu tâm lý (ARC Psychology Needs), Xây dựng hệ thống niềm tin & hình mẫu (Self-efficacy), Tác động bên ngoài (phần thưởng, hình phạt)
Không phụ thuộc, dựa dẫm vào động lực, hoặc luôn lấy động lực làm cái cớ để trì hoãn, ép buộc bản thân làm việc quá sức, căng thẳng trong thời gian dài. Tạo thói quen rèn luyện sức khỏe, xây dựng lịch trình làm việc rõ ràng, với nhu cầu sinh lý, thời gian nghỉ ngơi của cơ thể để tạo sự cân bằng, đồng hành phát triển cùng động lực.
Tóm lại là
Động Lực là một người bạn cần thấu hiểu, tôn trọng, chúng mình không nên lệ thuộc dựa dẫm quá nhiều, mà hãy hỗ trợ người bạn này với những hành vi lành mạnh trong xây dựng sức khỏe tinh thần thể chất.
Đồng hành, cùng nhau phát triển động lực với những kết quả phù hợp với mục tiêu là thứ quan trọng hơn cả để tiếp tục hành trình tìm ý nghĩa cuộc sống, cũng như hoàn thiện bản thân trong quá trình trưởng thành.
Chúc bạn có một mối quan hệ lành mạnh với Động Lực nhé!
Vi Vu Là Vì Đủ.
—
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
chời bài viết lồng ghép từ review phim, suy nghĩ cá nhân rồi cả kiến thức chị học được ở HCH nữa :)) combo trọn vẹn quá ạ. Dạo này e cũng vô tình nghe được 1 podcast liên quan đến việc làm phim hoạt hình, có mention anime với góc nhìn khá hay về sự bền bỉ của người trong ngành, chị có thể nghe thử ạ: https://open.spotify.com/episode/6tHQotojBrgEcysInsXixd?si=f8c9e3fb223e45d1